8 Bí quyết để quay phim cưới đẹp

Mỗi khi Cô Dâu – Chú Rể nhớ về đám cưới của mình, họ thường nhớ tới những nụ cười, các khoảnh khắc mà họ đã cùng chung tay để chuẩn bị cho đám cưới, các ý tưởng độc đáo và những chi tiết rất nhỏ được sắp đặt trong ngày cưới. Những điều đó làm cho đám cưới trở nên lãng mạn và đặc biệt hơn. Đối với công việc quay phim cưới cũng vậy, chúng tôi thường bắt đầu bằng việc lên kế hoạch cho mỗi ngày quay, chú ý đến từng chi tiết trong ngày cưới, dự đoán những khả năng có thể xảy ra để chuẩn bị thật tốt cho công việc. Sự chuẩn bị đó giúp bộ phim trở thành một trong những kỷ niệm đẹp đẽ về ngày cưới của các cặp đôi.

Bài viết này không phải là bài hướng dẫn về kĩ thuật quay phim cưới, mà với 8 kinh nghiệm chúng tôi đã có được sau đây có thể truyền cảm hứng cho sự sáng tạo để các bạn có thể quay phim cưới đẹp hơn, các bí quyết này được áp dụng trong suốt quá trình sản xuất phim cưới, từ lần đầu tiên gặp gỡ Cô Dâu – Chú Rể cho đến lúc chỉnh sửa hoàn thiện bộ phim.

Phim Cưới Phóng Sự của Bội Linh & Hoàng Dương do Dragon Films thực hiện tại Sài Gòn.

Càng đơn giản càng tốt

01. Đó là lời khuyên cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn quay phim trong suốt quá trình sản xuất phim cưới. Bạn phải luôn suy nghĩ về những điều mà khách hàng mong muốn thể hiện trong bộ phim. Kinh nghiệm của tôi đó là sự đơn giản – chân thật – gần gũi. Hãy ghi hình thật nhiều những cảnh tự nhiên của Cô Dâu – Chú Rể như lúc:

  • Cô Dâu – Chú Rể nắm tay nhau trong buổi diễn tập.
  • Ánh mắt đầu tiên khi nhìn thấy nhau trong buổi lễ.
  • Cảnh hai người cùng đi bên nhau sau khi làm lễ.
  • Những khoảnh khắc họ bất chợt nhìn nhau trong lúc đón khách.
  • Nụ cười rạng rỡ khi cùng nhau nhảy múa và thưởng thức không khí buổi tiệc.
  • Những vị khách mời nói trước ống kính suy nghĩ, cảm tưởng và gửi lời chúc đến Cô Dâu – Chú Rể.
  • Hãy tập trung vào những cảnh quay chỉ có một lần trong đời.

02. Luôn giữ trong đầu về chủ đề đám cưới mà mình đang thực hiện. Ví dụ về trường hợp mới nhất mà tôi vừa quay phim xong, Cô Dâu – Chú Rể của tôi đều là phi công, vậy là tôi đã xác định bộ phim sẽ đi theo chủ đề hàng không. Tôi chắc chắc phải ghi hình được những cảnh quay có máy bay (đám cưới được tổ chức ở sân bay), gần giữa tiệc đó tôi và mọi người nhìn thấy chiếc máy bay đang bay trên đầu, tôi đã ghi hình được cảnh chiếc máy bay đang bay lên và khi đó mặt trời màu đỏ đang dần lặn xuống phía sau nó. Vậy nên lời khuyên của tôi là “hãy chắc chắn rằng nếu Cô Dâu – Chú Rể đã chọn một chủ đề để tổ chức đám cưới thì chủ đề đó phải có trong phim cưới của bạn”.

Phim Cưới Phóng Sự của Ngọc Tú & Anh Duy do Dragon Films thực hiện tại Sài Gòn.

Lên kế hoạch quay phim cưới

Bạn có bao giờ nghe về cụm từ này trước đây đối với phim cưới? Lập kế hoạch cho các cảnh quay và quay phim cưới dựa theo kế hoạch của bạn. Tuy nhiên, đối với công việc quay phim cưới không phải lúc nào cũng có thể tuân thủ một lộ trình chính xác, nếu như làm theo các hướng dẫn này thì nó có thể giúp bạn đi đúng hướng.

03. Trước ngày quay, hãy sắp xếp để gặp Cô Dâu – Chú Rể của bạn càng sớm càng tốt để trao đổi thông tin. Càng có nhiều thông tin thì bạn càng có nhiều lợi thế trong việc lên kế hoạch quay phim, đến sự cảm nhận khi cầm máy quay và có cái nhìn bao quát hơn trong lúc biên tập phim sau này.

  • Bạn cần phải biết rõ nơi tổ chức đám cưới (có nhiều cặp tổ chức lễ cưới và tiệc cưới ở hai nơi khác nhau).
  • Tìm hiểu về những người mà Cô Dâu – Chú Rể muốn họ có mặt trong phim cưới, như những người họ hàng hay bạn bè thân thiết.
  • Phong cách đám cưới của Cô Dâu – Chú Rể: truyền thống, hay mang tính chất tôn giáo, hình thức tổ chức là một buổi tiệc lớn hay buổi tiệc nhỏ và thân mật.

04. Nếu có điều kiện, hãy đi cùng Cô Dâu – Chú Rể đến buổi diễn tập. Chỉ tốn một ít thời gian nhưng lại rất hữu ích đối công việc của người quay phim. Thời gian quan sát buổi diễn tập là một cơ hội tuyệt vời để bạn xác định các vị trí cần đặt máy quay, di chuyển máy quay như thế nào để có góc máy tốt nhất. Đồng thời, qua buổi diễn tập cũng sẽ giúp bạn kiểm soát được nguồn ánh sáng, âm lượng của âm thanh, và trình tự của buổi lễ, vị trí ngồi của các nhân vật quan trong (như ba mẹ của Cô Dâu – Chú Rể). Không chỉ có vậy, bạn còn có thể trao cho Cô Dâu – Chú Rể một món quà tuyệt vời nếu như bạn quay lại buổi diễn tập, tôi tin chắc các hình ảnh đó rất thích hợp để bạn cho vào phim cưới.

Phim Cưới Phóng Sự của Ngọc Hiền & Quý Nam do Dragon Films thực hiện tại Sài Gòn.

Biến khuyết điểm thành ưu điểm

Đây là những lời khuyên có được từ những kinh nghiệm thực tế của tôi, mẹ tôi đã từng dạy “đừng để vấp phải một cục đá hai lần”. Khi gặp sự cố trong lúc quay phim thì bạn phải chắc chắn rằng không lập lại sự cố đó thêm một lần nào đó, đồng thời phải có cách xử lý sự cố từ chính khuyết điểm của lần quay.

05. Phải chắc chắn rằng khi những thời khắc quan trọng diễn ra đều được ghi hình. Như lúc Cô Dâu bắt đầu tiến vào khu vực làm lễ, máy quay phải luôn hướng theo Cô Dâu, âm thanh phải rõ ràng. Trong lần quay đầu tiên của tôi, tôi đặt máy sát dưới lối đi nhằm mục đích tạo góc lạ, lúc Cô Dâu đi ngang qua, khách mời đứng dậy để xem và che mất Cô Dâu. Nhưng cũng còn may, vì tôi có đặt một cái máy quay khác phía sau lối đi chỉ để thu âm thanh được liên tục và cuối cùng là tôi sử dụng cả 2 đoạn phim để tạo ra một hiệu ứng hình ảnh độc đáo. Tôi làm hiệu ứng chuyển động chậm cảnh Cô Dâu được ba dẫn vào lối đi. Bài học cho sự việc này: rõ ràng bạn có thể chuyển sai lầm thành lợi thế trong quá trình thực hiện phim cưới.

06. Khi đi quay phim, nếu bạn có cả một ekip bao gồm luôn chụp hình thì thật tuyệt vời. Nếu không thì hãy làm quen với nhiếp ảnh cùng làm việc với bạn trong ngày hôm đó. Theo kinh nghiệm thực tế của tôi thì trong quá trình hậu kỳ phim bạn có thể xin một vài tấm hình từ người nhiếp ảnh này, vì sẽ có những cảnh quay bạn bị lỡ, thậm chí bị chính người thợ chụp hình che mất. Sau đó có thể làm một vài hiệu ứng cho đoạn phim đặc biệt hơn. Như tôi thêm vào hiệu ứng ánh đèn flash cho một loạt các hình, điều đó làm cho đoạn phim sinh động, đặc biệt hơn rất nhiều.

Phim Cưới Phóng Sự của Jenni & Philip do Dragon Films thực hiện tại Sài Gòn.

Kiểm tra quá trình chỉnh sửa

Điều quan trọng nhất cần phải nhớ trong quá trình biên tập phim cưới, không chỉ sắp xếp các đoạn phim như đúng trình tự nó diễn ra, mà bạn còn phải tạo được cái hồn cho bộ phim, giúp cho người xem có được cảm nhận về không khí của Lễ Cưới. Trước khi tiến hành dựng phim, hãy suy nghĩ về chủ đề, màu sắc, âm nhạc, sự chuyển cảnh mà bạn mong muốn.

07. Làm cho phim cưới trở nên độc đáo, thể hiện cá tính của khách hàng. Cho dù bạn đã quay đến hàng trăm phim cưới rồi, tuy nhiên đối với Cô Dâu – Chú Rể đám cưới của họ là một sự kiện độc nhất. Hãy chỉnh sửa phim cưới cho phù hợp. Nhìn vào màu sắc của trang phục và hoa của phụ dâu để làm chất liệu khi biên tập phim, ví dụ bạn có thể sử dụng màu hoa hay màu trang phục để làm tiêu đề, chạy chữ hoặc phông nền cho phù hợp. Dù cho đám cưới có trang trọng, hay thoải mái, đời thường, theo chủ đề nhất định hay truyền thống, thì hãy chọn tất cả mọi thứ từ phông chữ đến âm nhạc để thể hiện được cá tính, con người của khách hàng trong ngày cưới của họ.

08. Cho dù bạn bắt tay vào dựng phần đầu phim hay cuối phim, hãy chắc chắn rằng bạn đã chọn được những shot phim đẹp nhất về Cô Dâu – Chú Rể. Ngoài ra trong quá trình dựng phim bạn có thể chỉnh cho hiệu ứng của phim chậm lại để tạo sự lãng mạn cho phim cưới nếu nó phù hợp.

Ảnh cưới ngoại cảnh được thực hiện trong quá trình Dragon Films hợp tác với Sweet Love Studio – Ảnh: www.sweetlovestudio.vn

Các kinh nghiệm khác khi đi quay phim đám cưới
Là một người làm phim cưới, bạn phải tạo được một mối quan hệ tốt với Cô Dâu – Chú Rể. Khách hàng của bạn đang phải đối mặt với rất nhiều thứ cần chuẩn bị cho đám cưới của họ, có thể họ sẽ hơi rối trí một chút, bạn không thể giúp gì được cho họ nhưng bạn có thể tạo ra một phim cưới tuyệt vời cho cặp đôi này.

Cố gắng xử lý việc quay phim một cách tinh tế bằng việc chọn ở đúng vị trí, đúng thời điểm thích hợp, và trở thành một phần trong tiệc cưới. Lựa chọn trang phục thích hợp và thoải mái khi quay phim là một điều rất quan trọng. Nếu tham gia buổi diễn tập bạn sẽ biết rõ hơn về màu sắc chủ đạo và nên sử dụng trang phục như thế nào. Tùy thuộc vào từng đám cưới mà cách ăn mặc của người quay phim có thể thay đổi, tuy nhiên hãy chú ý tới màu sắc của trang phục. Ví dụ gam màu của đám cưới là Hồng pastel (những màu sắc theo xu hướng nhạt) mà bạn mặc một chiếc váy màu đỏ hay cà vạt sọc thì chắc chắn là không phù hợp. Có thể đối với bạn ăn mặc như vậy thì không có vấn đề gì nhưng chắc chắn nhiều người khác sẽ chú ý tới bạn hoặc cảm thấy khó chịu với bạn. Vì vậy bạn nên lựa chọn trang phục sao cho thể hiện được chuyên nghiệp của một người quay phim cưới, trắng và đen là 2 màu an toàn nhất.

Kiều Diễm (tổng hợp)
DRAGON FILMS
www.dragonfilms.vn